Hướng dẫn tạo bài tập coding dành cho giảng viên
Sử dụng bài tập coding để thêm hoạt động thực hành coding ngắn và có mục tiêu cụ thể vào khóa học của bạn trên Udemy.
Học viên muốn có nhiều cách đơn giản để thực hành, đánh giá và áp dụng kiến thức đã học. Bằng việc thêm bài tập coding vào khóa học, bạn có thể dễ dàng mang lại trải nghiệm học tập tích cực cho học viên.
Câu hỏi thường gặp về bài tập coding
Bài tập coding là gì?
📖 Bài tập coding là bài tập để học viên thực hành một khung hoặc ngôn ngữ coding cụ thể. Học viên có thể kiểm tra mức độ hiểu biết của họ về một khái niệm trong khóa học của bạn thông qua tính năng chấm điểm tự động.
Làm thế nào để bắt đầu?
Chuyển đến trang Khung chương trình khóa học của bạn. Nhấp vào nút “+ Mục trong khung chương trình” rồi nhấp vào Bài tập coding. Để biết thêm thông tin, hãy xem bài viết này trong Trung tâm trợ giúp.
Tôi nên thêm bài tập coding vào khóa học khi nào?Bạn nên thêm
bài tập coding cho tất cả các chủ đề và kỹ năng quan trọng liên quan đến coding trong khóa học. Hãy bổ sung hoạt động thực hành này vào những thời điểm quan trọng sau đây:
- khi một bài giảng trong khóa học có ít nhất một mục tiêu học tập liên quan đến viết code
- khi một khái niệm mà bạn dạy trong bài giảng có thể được đánh giá thông qua bài tập coding
Tôi nên thêm bao nhiêu bài tập coding vào khóa học của mình?
Không có giới hạn về số lượng bài tập coding mà bạn có thể thêm vào một khóa học, tuy nhiên bạn nên bố trí xen kẽ bài tập coding trong suốt khóa học để có hoạt động thực hành phân bổ đồng đều cho học viên. Dưới đây là một số ý tưởng về cách sắp xếp bài tập coding trong khóa học:
- Thêm ít nhất một bài tập coding cho mỗi phần.
- Cung cấp nhiều bài tập về cùng một mục tiêu học tập. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế việc “chất đống” bài tập coding trừ khi bạn cung cấp nhiều bài tập cho cùng một mục tiêu học tập.
- Hãy bắt đầu thêm bài tập vào một số phần để học viên thử làm, dẫn dắt họ đến bài giảng giải thích, sau đó cung cấp bài tập coding khác trong ngữ cảnh mới để họ thử làm lại. Điều này thúc đẩy học viên tìm hiểu lý do họ cần học kiến thức có trong các bài giảng của phần đó.
Tôi có thể kiếm tiền từ bài tập coding mà mình tạo không?
Nếu khóa học của bạn có trong một gói thuê bao của Udemy, thì thời gian học viên bỏ ra để giải bài tập coding sẽ được tính vào doanh thu tương tác của bạn.
Bài tập coding hiện có các ngôn ngữ nào?
Hiện tại, bạn có thể tạo bài tập coding bằng các ngôn ngữ sau đây: C#, C# 11, C++, xử lý CSV (với Python), HTML, Java 17 (với JUnit5), Java 11, Java 9, JavaScript ES6, PHP 7, PHP 5, Python 3.10, Python 3.8, Python 3.5, R 3.6, React 16, React 18, Ruby, SciPy 1.4 (NumPy, Pandas, SymPy) và SciKit Learn 0.23, SQL, SQLite 3, Swift 5, và Swift 3.
Cách tạo bài tập coding
Bắt đầu tạo (hoặc cập nhật) bài tập coding của riêng bạn theo các bước sau đây: Lập kế hoạch cho mục tiêu và kết quả, viết giải pháp, xây dựng bài tập và thêm gợi ý cũng như trường hợp kiểm tra để trợ giúp học viên.
Lập kế hoạch cho bài tập coding
Bắt đầu tạo bài tập coding bằng cách xác định mục tiêu học tập. Hãy bắt đầu bằng cách trả lời các câu hỏi sau đây:
- Học viên có thể làm được những gì nếu họ giải đúng bài tập coding này?
- Bài tập này giúp học viên thực hành (những) kỹ năng nào? Bài tập này đánh giá (những) kỹ năng nào?
Từ đó, hãy nghĩ ra một vấn đề cần giải quyết trong bài tập coding sao cho phù hợp với kết quả học tập mong muốn nêu trên. Vấn đề này nên là một phần nhỏ của nhiệm vụ thực sự mà kỹ sư/nhân viên kỹ thuật nên thực hiện.
💡 Mẹo! Chuẩn bị bài tập coding ở mức vừa phải.
-
- Bài tập coding lý tưởng chỉ khiến một học viên bình thường mất tối đa 15 phút để hoàn thành. Đây là khung thời gian đã xác định cho phương pháp học từng phần nhỏ, đảm bảo học viên không tốn nhiều thời gian để giải bài tập.
Bắt đầu với giải pháp
Bạn nên sử dụng phương pháp lập kế hoạch ngược khi thiết kế bài tập coding. Do đó, khi bạn đã quyết định xong vấn đề trong bài tập coding, hãy viết đầy đủ giải pháp mong muốn, bao gồm cả file đánh giá và file giải pháp.
📖 File giải pháp đóng vai trò là lời giải cho vấn đề đã xác định. Học viên phải viết ra file giải pháp tương tự (không nhất thiết phải giống y hệt) cho vấn đề đã xác định. File này sẽ kiểm chứng file đánh giá đã cung cấp (kiểm thử đơn vị) là đúng.
📖 File đánh giá là file kiểm thử đơn vị dùng để kiểm tra xem giải pháp của học viên có thực sự giải quyết được vấn đề hay không. Bạn cần sử dụng các câu lệnh xác nhận để kiểm chứng giải pháp.
Để tạo bài tập coding mới, bạn cần cung cấp file giải pháp và file đánh giá mà hệ thống có thể kiểm chứng. Xin nhắc lại, file giải pháp được viết để kiểm chứng chính file đánh giá, còn file đánh giá được viết để kiểm chứng giải pháp của học viên có đúng hay không.
💡 Mẹo! Tạo bằng AI
Đối với các bài tập tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha bằng Python, C++, Java và Javascript, giờ đây bạn có thể nhận được sự trợ giúp từ trí tuệ nhân tạo của bên thứ ba để tạo các file bài tập của bạn.
-
Chuyển đến trang khung chương trình khóa học và bắt đầu tạo một bài tập coding mới bằng Python, C++, Java hoặc Javascript.
-
Chuyển đến tab thứ hai “Viết giải pháp”, sau khi thêm tiêu đề bài tập và mục tiêu học tập của bạn trên tab “Lập kế hoạch cho bài tập”.
-
Nhấp vào nút “Tạo bằng AI” mới và thêm hướng dẫn cho vấn đề của bạn.
-
Khi bạn đã phác thảo vấn đề, hãy nhấp vào nút “Tạo bằng AI” và trong giây lát, bạn sẽ thấy file giải pháp và file đánh giá được tạo cho bài tập của bạn
-
Xem xét cẩn thận và thực hiện các thay đổi để hoàn thiện bài tập của bạn trước khi chuyển sang phần “Chỉ dẫn học viên”.
Xây dựng bài tập
Sau khi tạo ra giải pháp, bước tiếp theo là bạn cần truyền đạt rõ ràng mục đích và vấn đề của bài tập này cho học viên. Bạn nên làm theo các bước sau đây:
- Mô tả những gì học viên có thể làm được nếu họ giải đúng bài tập coding này và những kỹ năng mà bài tập giúp họ thực hành. Bạn nên xác định các đáp án này trong bước lập kế hoạch trước đó.
- Cung cấp chỉ dẫn đầy đủ và dễ hiểu về “đề bài” của bài tập. Hãy nhớ cung cấp đầy đủ thông tin để học viên làm bài tập, đồng thời đảm bảo họ có trách nhiệm thực hành kỹ năng (hoặc thể hiện khả năng thực hiện công việc đó).
- Tạo file khởi động.
📖 File khởi động là đoạn code cần có ban đầu để xây dựng bài tập nhằm giúp học viên tập trung vào kỹ năng mục tiêu.
💡 Mẹo! Đặt tên rõ ràng và nhất quán cho các bài tập coding của bạn.
-
- Sử dụng quy ước đặt tên nhất quán và dễ tìm cho tất cả các bài tập coding. Ví dụ: Tất cả các bài tập coding đều bắt đầu bằng cụm từ “Bài tập coding” trong tên để học viên có thể dễ dàng tìm kiếm trong khóa học của bạn.
📝 Lưu ý:Giống như mọi nội dung trao đổi với học viên, hãy đảm bảo chỉ dẫn của bạn có ngôn từ chính xác, đúng ngữ pháp và khách quan.
Nâng cao bằng hướng dẫn
Trường hợp kiểm tra
📖 Kiểm thử đơn vị là cách để kiểm tra một đơn vị, tức là phần code nhỏ nhất có thể nằm tách biệt một cách logic trong hệ thống. Trong hầu hết các ngôn ngữ lập trình thì đơn vị là hàm, chương trình con, phương pháp hay thuộc tính.
Bạn nên cung cấp các bài kiểm thử đơn vị cho giải pháp của bài tập coding để học viên có thể nhận phản hồi khi họ nhấp vào nút “Xem giải pháp”. Ý kiến phản hồi này giúp học viên tìm ra lỗi của họ và đưa ra xác nhận quan trọng khi họ thành công.
Khi xây dựng trường hợp kiểm tra, bạn nên làm theo các phương pháp hay nhất sau đây:
- Trình bày cụ thể. Bài kiểm thử đơn vị nên có ít nhất một câu lệnh xác nhận logic, tức là kiểm tra chỉ một kết quả của code đã kiểm thử.
- Thể hiện tính toàn diện. Bài kiểm thử đơn vị nên mô phỏng tất cả các dịch vụ và trạng thái bên ngoài, tức là toàn bộ hành vi bắt buộc đều được kiểm tra. Bài kiểm thử đơn vị nên đặt ra các trường hợp hi hữu và có phạm vi kiểm tra hiệu quả.
- Sự rõ ràng là chìa khóa. Đặt tên có ý nghĩa cho mỗi bài kiểm thử để khi học viên nhìn thấy danh sách kiểm thử, họ có thể dễ dàng tìm kiếm và sử dụng.
Bài giảng liên quan
Thêm một bài giảng đề xuất trong khóa học của bạn như đường liên kết giúp học viên tìm đến nơi họ có thể xem thêm thông tin về kỹ năng mà họ đang thực hành.
Gợi ý
📖 Gợi ý là mẹo hữu ích dùng để chỉ dẫn học viên tìm ra đáp án đúng nếu họ gặp khó khăn khi làm bài.
Khi tiêu đề của trường hợp kiểm tra đã đóng vai trò là hướng dẫn, thì phần “Gợi ý” nên tập trung nhiều hơn vào thông tin bổ sung không được cung cấp trong chỉ dẫn hoặc bài kiểm thử đơn vị.
Chúng tôi đề xuất các phương pháp hay nhất sau đây về tạo gợi ý:
- Gợi ý sẽ giúp học viên nhớ lại khái niệm nào đó.
- Gợi ý nên cung cấp cho học viên một phần câu trả lời nhưng không phải toàn bộ câu trả lời.
- Khi cung cấp nhiều gợi ý, bạn nên thực hiện theo thứ tự tăng dần (nghĩa là từ gợi ý nhỏ hơn đến gợi ý quan trọng hơn) để khuyến khích học viên tự làm bài.
📝 Lưu ý: Do hiện tại gợi ý có thể liên tục hiển thị cho học viên trong quá trình làm bài tập, bạn chỉ nên sử dụng phần “Gợi ý” để cung cấp thêm thông tin có thể giúp học viên hoàn thành bài tập mà không đưa ra đáp án đúng cho bài tập.
Giải thích giải pháp
📖 Giải thích giải pháp là phần giải thích rõ hơn về giải pháp đúng cho bài tập coding.
Phần giải thích giải pháp có thể giúp học viên kiểm nghiệm và/hoặc hiểu ra vấn đề đối với cách tiếp cận của họ. Nếu một học viên thử làm bài tập coding và không biết chắc vì sao giải pháp đó lại giải quyết được vấn đề một cách chính xác, thì đây là nơi để bạn giải thích. Ngoài ra, với những người giải đúng bài tập nhưng không biết chắc lý do cách giải của họ lại đúng, thì phần này giúp họ kiểm nghiệm những gì họ đã làm để củng cố mức độ hiểu biết của họ về khái niệm cho việc vận dụng kiến thức trong tương lai.
Khi tạo nội dung giải thích cho giải pháp, bạn nên làm theo các phương pháp hay nhất sau đây:
- Phần này có thể bao gồm chỉ dẫn từng bước có chứa các đoạn code.
- Luôn nêu “lý do tại sao” đằng sau các bước giải thích. Điều này sẽ giúp học viên suy ngẫm về những gì họ đã làm và những gì họ cần làm theo cách khác nếu họ thử giải lại bài tập.
Để tìm hiểu thêm về những gì chúng tôi đã cải thiện cho bài tập coding, hãy xem bài viết này trong Teaching Center. Ngoài ra, nếu bạn có câu hỏi khác về cách sử dụng công cụ bài tập coding, hãy xem bài viết này trong Trung tâm trợ giúp.