Khắc phục các vấn đề thường gặp về âm thanh
Âm thanh là một trong những yếu tố khó khắc phục nhất của khóa học sau khi bạn ghi hình, vì vậy hãy đảm bảo bạn dành thời gian để chỉnh sửa âm thanh ngay từ đầu. Việc học viên nghe được lời bạn nói rõ ràng rất quan trọng.
Dưới đây là danh sách các vấn đề thường gặp về âm thanh và cách khắc phục.
Hai điều quan trọng trước khi bạn ghi hình
- Tốt nhất nên sử dụng micrô bên ngoài. Tránh ghi âm trực tiếp từ micrô tích hợp trên camera, máy tính hoặc điện thoại di động.
- Kiểm tra âm thanh của bạn sớm và thường xuyên để tránh phải ghi hình lại cho nội dung. Bằng cách đó, bạn có thể đảm bảo rằng bạn có chất lượng âm thanh tốt trong suốt khóa học.
Cách tránh tiếng vang và tạp âm
Ghi hình trong phòng trống không có tấm che tường và thảm là một trong những cách phổ biến nhất khiến giảng viên có âm thanh kém chất lượng. Điều này là do tiếng vang khiến âm thanh phát ra rất xa, giống như bạn đang ghi hình trong không gian mở.
Để tránh tiếng vang, hãy thêm các dụng cụ cách âm để giúp hấp thụ một phần âm thanh. Bạn có thể gắn tấm cách âm vào tường của phòng ghi hình, hoặc bạn có thể bố trí chăn, đệm, gối và sofa để giúp hấp thụ một phần âm thanh. Hãy xem cách thiết lập không gian ghi hình để biết thêm mẹo.
Điều quan trọng là bạn phải thường xuyên tạm dừng và lắng nghe bản ghi để đảm bảo bạn không thu phải những âm thanh như tiếng ồn giao thông, tiếng điều hòa, tiếng chuông điện thoại, tiếng người nói chuyện trong nền, v.v. vì các tạp âm này thường không được chú ý trong quá trình ghi hình.
Khắc phục vấn đề thường gặp về âm thanh
Méo tiếng: Bạn có thể nghe thấy âm thanh tĩnh điện trong bản ghi. Điều này thường xảy ra do mức khuếch đại quá cao, khiến âm thanh nghe cực kỳ khó chịu.
Tiếng rè trong nền: Bạn cũng có thể gặp phải tiếng rè giống như tình trạng méo tiếng. Âm thanh này nghe giống như tiếng lạo xạo trong bản ghi âm. Thông thường, nguyên nhân là do micrô chất lượng kém, giống như micrô tích hợp sẵn trên camera hoặc máy tính.
Loa bên trái: Nếu tùy chọn cài đặt đầu ra âm thanh được đặt là đơn âm thay vì âm thanh nổi, thì âm thanh có thể chỉ phát ra từ loa bên trái.
Âm lượng thấp: Nếu âm lượng trên bản ghi của bạn quá thấp, thì có thể là do micrô của bạn bị đặt ở quá xa. Hãy đảm bảo bạn phát âm to, rõ ràng và nói trực tiếp vào micrô.
Nghẹt tiếng: Bạn có thể có thể gặp phải vấn đề ngược lại nếu bạn nói quá gần micrô. Khoảng cách mà chúng tôi đề xuất là bạn nên nói cách micro khoảng 6-12 inch (tức là 15-30 cm) .
Âm nổ: Một vấn đề thường gặp khác là “âm nổ” trong âm thanh. Âm nổ này thường đặc biệt xảy ra ở những từ có âm “p” và “t”. Nếu bạn gặp phải vấn đề này, âm thanh của bạn sẽ có những đoạn tăng âm lượng đột ngột và bất thường. Điều này có thể khiến học viên mất tập trung. Hãy thử di chuyển ra xa micrô hơn một chút hoặc uống nước trước khi nói (điều này thực sự có thể giúp bạn nói rõ ràng hơn). Bạn cũng có thể mua màng lọc âm nổ để lắp vào micrô, màng lọc này sẽ giúp bạn lọc bỏ âm nổ.